Bên cạnh những yếu tố thuận lợi mang tính đặc thù, kết quả trên có nguyên nhân quan trọng từ sự chủ động, sáng tạo, nỗ lực cao của người nông dân để thích ứng với tình hình mới. Không còn tư tưởng “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, người nông dân bây giờ đã làm chủ quá trình sản xuất, bắt nhịp với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, thay đổi tư duy, cách làm để tiệm cận hơn với nền nông nghiệp thông minh, hòa mình vào xu thế tất yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

anh tin bai

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Không chỉ trong đại dịch Covid-19, mà thực tiễn đã chứng minh, nông nghiệp luôn thể hiện rõ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, người nông dân với vị trí chủ thể của quá trình sản xuất đã khẳng định sứ mệnh trong việc tạo nên những đột phá của một ngành kinh tế quan trọng ở nước ta. Cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp, chúng ta thấy rõ những tiến bộ vượt bậc của thế hệ nông dân thời đại mới với trình độ, kiến thức, sự năng động, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đưa công nghệ vào thửa ruộng, mảnh vườn để gia tăng giá trị sản phẩm. Rất dễ để gặp những nông dân thời @ với chiếc điện thoại thông minh ứng dụng công nghệ cảm biến điều chỉnh độ ẩm, ánh sáng cho những luống hoa, cây trái. Rồi những “vườn rau không đất”, trang trại tự động, thương mại điện tử, máy bay phun thuốc không người lái... là thành công bước đầu của nông dân thời kỳ 4.0 khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.

Rõ ràng, nhiều nông dân Việt Nam nhận thức rõ xu thế tất yếu của nông nghiệp 4.0 trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay. Hơn ai hết, bản thân họ nhìn rõ tiềm năng rất lớn của chuyển đổi số trong nông nghiệp khi được sự ủng hộ cao từ các cơ quan, bộ, ngành cho đến những doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp nông nghiệp. Đặc biệt, chuyển đổi số đã mang lại nhiều kết quả tích cực không chỉ trong chất lượng, năng suất mà còn cải thiện đáng kể về cách thức quản lý, phương thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa vị thế của người nông dân lên tầm cao mới.

Thành công bước đầu đã tạo nền tảng để nông dân thêm tự tin góp sức cùng ngành nông nghiệp trong tiến trình đi lên với công nghệ số. Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng thì việc chủ động, sức vươn tự thân mạnh mẽ của người nông dân là yếu tố quan trọng để kiến tạo công cuộc số hóa của ngành nông nghiệp. Chính bởi vậy, đây cũng là một trong những khó khăn lớn nhất của quá trình chuyển đổi số khi không ít nông dân chưa thay đổi nhận thức, cách làm việc, chưa chuyển “từ ruộng lên không gian số”. Bên cạnh những rào cản từ hạ tầng cơ sở cho sự phát triển, chất lượng nguồn nhân lực nông dân đáp ứng quá trình số hóa là một thách thức không nhỏ. Do đó, cần sự kết hợp của cả chính sách và trình độ người nông dân để chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp. Nói cách khác, muốn xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, thịnh vượng, phải hình thành được tầng lớp nông dân 4.0 với đầy đủ kiến thức, kỹ năng hòa nhập với xu thế chung của sự phát triển.

Trước hết, mỗi người nông dân, nhất là nông dân trẻ cần nhận thức đầy đủ về vai trò chủ thể của mình trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, học hỏi, nâng cao trình độ, mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, chủ động tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người nông dân cần coi sự thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ là đòi hỏi tự thân trong quá trình sản xuất nông nghiệp, tạo sức vươn mạnh mẽ để bắt kịp dòng chảy của công nghệ số. Lẽ đương nhiên, để Việt Nam ngày càng có nhiều hơn những nông dân 4.0, cần có sự quan tâm sâu sắc của các bộ, ngành, cơ quan chức năng để nông dân tận dụng tốt nhất cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra với ngành nông nghiệp nước nhà.