image advertisement
anh tin bai

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
anh tin bai
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Các bài báo viết về những lần Bác về thăm: Hồ Chủ tịch tại nhà máy Dệt Nam Định (Lần thứ 2 năm 1957)
Lượt xem: 147

Từ ngày thành phố Nam Định được giải phóng đến nay, anh chị em cán bộ và công nhân nhà máy Dệt Nam Định vẫn mong có ngày được đón Hồ Chủ tịch về thăm nhà máy. Ngày 24-4-1957, điều mong ước đó đã trở thành sự thật.

Lúc đó, hơn 9 giờ sáng, các chị công nhân ở phân xưởng Tơ đang cặm cụi làm việc giữa những hàng máy chạy rào rào. Hồ Chủ tịch bước vào xưởng, có đồng chí Lê Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp đi cùng. Phút đầu tiên nhìn thấy Hồ Chủ tịch, mọi người sửng sốt, hình như không tin ở mắt mình, nhưng chỉ phút giây sau là tất cả reo lên mừng rỡ. Mấy chị vội lách ra khỏi hàng máy và mấy anh đang học điều khiển những chiếc máy dệt mới của Trung Quốc giúp ta cũng chạy ùa ra đón Hồ Chủ tịch, Hồ Chủ tịch tươi cười vỗ vai một công nhân, nói: "Các cô, các chú cứ làm việc đi". Anh chị em công nhân chạy đến chào Hồ Chủ tịch mỗi lúc một đông. Tiếng reo mừng của anh em át cả tiếng máy. Hồ Chủ tịch thân mật vẫy tay đáp lại những tiếng hoan hô sôi nổi của mọi người và lần lượt đi thăm các bộ phận.

Hồ Chủ tịch đi đến đâu là anh chị em công nhân ríu rít đi theo đến đó. Cụ Nguyễn Văn Bắc, thợ thiếc làm việc ở Nhà máy đã hơn 30 năm nay, đã từ lâu vẫn ao ước được gặp Hồ Chủ tịch. Hôm nay thấy Hồ Chủ tịch, cụ sung sướng quá, cũng tất tả chạy theo đám đông, chen lấn chẳng kém gì thanh niên.

Hồ Chủ tịch đi thăm gần hết các phân xưởng Tơ, Sợi, Dệt, Nhuộm, Chăn...vào cả nhà kho và những buồng máy oi bức nhất. Hồ Chủ tịch luôn luôn vẫy tay đáp lại những lời chào của công nhân, thỉnh thoảng dừng lại xem các máy móc và những thước vải nhà máy vừa dệt xong. Khi qua nhà bông, thấy bụi bông bám vào công nhân, Hồ Chủ tịch liền hỏi đồng chí Võ Phong, phó Giám đốc xí nghiệp:

- Ở đây, có làm bịt miệng cho anh chị em công nhân không?

Đồng chí Võ Phong đáp:

- Thưa Bác, có ạ. Nhưng có một số anh chị em không muốn đeo vì sợ không tiện ăn trầu.

Hồ Chủ tịch ân cần khuyên:

- Phải bảo các cô, các chú ấy chịu khó đeo vào, nếu không sẽ hại đến sức khoẻ.

Đi thăm gần hết các phân xưởng của xí nghiệp xong, Hồ Chủ tịch đến thăm nhà thương phải qua một quãng đường dài đi dưới nắng gắt. Anh chị em công nhân ở buồng máy bên cạnh đường đi và cả hai bên các cửa sổ nhìn theo Hồ Chủ tịch.

Trước cửa nhà thương của xí nghiệp, các đồng chí y sĩ, y tá đã đứng đón Hồ Chủ tịch. Nhà thương này mới xây được 2 tháng nay, có 1 phòng nội thương, 1 phòng ngoại thương, tất cả ngót 200 giường. Hồ Chủ tịch đi thẳng vào nhà bếp và nhà ăn. Hai bác cấp dưỡng ở đấy mừng quá, không ngờ cái nhà ăn nhỏ của xí nghiệp hôm nay lại được Hồ Chủ tịch đến thăm. Hồ Chủ tịch dừng lại đọc to bảng ghi mức ăn của người ốm, rồi quay sang hỏi anh chị em y sĩ, y tá, cấp dưỡng:

"Người ốm ăn thế này cũng khá chứ"? Anh em đáp: "Thưa, khá ạ".

Hồ Chủ tịch vào từng buồng người ốm hỏi thăm sức khoẻ của anh chị em.

Thấy Hồ Chủ tịch đến, một công nhân đang mệt định ngồi nhổm dậy chào, Hồ Chủ tịch nhẹ nhàng bảo: "Chú cứ nằm nghỉ", anh sung sướng nhìn Hồ Chủ tịch, vừa nằm vừa vỗ tay.

Đến phòng đẻ, nét mặt của Hồ Chủ tịch tươi hẳn lên khi nhìn thấy các cháu nhỏ. Đồng chí phó giám đốc xí nghiệp vui báo cáo với Hồ Chủ tịch trong mấy tháng qua, các chị công nhân ở nhà máy đã đẻ thêm được hơn 100 cháu.

Ở nhà thương của xí nghiệp ra, Hồ Chủ tịch đến thăm khu nhà ở tập thể của công nhân do xí nghiệp xây dựng cho anh chị em từ năm ngoái. Anh chị em đứng rất đông đón Hồ Chủ tịch trước hai dãy nhà xinh xắn. Hàng trăm người reo lên khi xe Hồ Chủ tịch vừa đến. Chưa bước xuống xe, Hồ Chủ tịch đã nói:

- Các cô, các chú cứ về nhà đi. Bác sẽ thăm hết.

Hồ Chủ tịch lại đến thăm nhà ăn, nhà bếp, rồi rẽ vào xem câu lạc bộ và rẽ xem từng gian nhà ở của anh chị em.

Trước khi rời khu nhà ở tập thể của công nhân, Hồ Chủ tịch không quên các cháu nhỏ ở khu này. Hồ Chủ tịch vào nhà giữ trẻ và thấy nhiều cháu đang ngồi chơi trên ngựa gỗ. Có cháu đã nhận ra Bác Hồ, vỗ tay chào Bác. Hồ Chủ tịch cho các cháu kẹo rồi rồi lại sang thăm các cháu nhỏ hơn ở buồng bên.

anh tin bai

Từ lúc Hồ Chủ tịch vào thăm nhà máy Dệt, nhiều đồng bào ở thành phố biết tin, đã kéo nhau đến chờ ở trước nhà ở tập thể. Xe hơi của Chủ tịch vừa ra là hàng trăm người ùa tới vây kín xe, phất mũ và nón hoan hô. Mấy lần xe hơi mở máy mà không chạy được.

Đi thăm các nơi xong, Hồ Chủ tịch nói chuyện với anh chị em cán bộ và công nhân.

Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Hồ Chủ tịch hỏi thăm anh chị em cán bộ và công nhân, khen ngợi anh chị em công nhân nhà máy đã có thành tích về nhiều mặt như giữ gìn máy móc, đảm bảo sản xuất, đào tạo cán bộ, biết cất nhắc công nhân, cán bộ phụ nữ...Hồ Chủ tịch cũng phê bình một số thiếu sót của cán bộ, công nhân và khuyên anh chị em đề cao kỷ luật lao động vì "Nhà máy cũng như quân đội, không có kỷ luật thì không thể trở thành một quân đội tốt, một nhà máy tốt". Khuyên anh chị em học tập chính trị, kỹ thuật, thực hành dân chủ, mở rộng phê bình và tự phê bình. Đối với những đảng viên, đoàn viên công đoàn, quân nhân phục viên, anh chị em phải gương mẫu, làm đầu tầu trong phong trào thi đua sản xuất và tiết kiệm.

Hồ Chủ tịch từ biệt anh chị em, lên xe, ra nói chuyện với các đại biểu nhân dân ở câu lạc bộ thành phố. Anh chị em công nhân nhìn theo, lòng tràn đầy sung sướng và phấn khởi. 

 

(Báo Nhân dân số 1145 ngày 26/4/1957)

Cơ quan chủ quản: Xã Xuân Thượng- Huyện Xuân Trường
Địa chỉ: Xã Xuân Thượng - Huyện Xuân Trường - Tỉnh Nam Định
Email: xaxuanthuong.xtg@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang