image advertisement
anh tin bai

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
anh tin bai
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
ĐỊNH HƯỚNG MỘT SỐ NỘI DUNG SINH HOẠT THÁNG 4/2022
Lượt xem: 127

Trên cơ sở nội dung định hướng trong Bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đề nghị các địa phương, đơn vị lựa chọn thêm các nội dung trong Tài liệu do Ban Tuyên giáo Huyện ủy cung cấp và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để triển khai các hội nghị tuyên truyền miệng và sinh hoạt chi bộ ở đơn vị mình đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

1. Thông tin tình hình thời sự nổi bật; phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên.

2. Tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý I/2022; triển khai thực hiện các nhiệm vụ quý II/2022, nhất là việc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động sản xuất kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội.

3. Tuyên truyền truyền thống 75 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng vũ trang tỉnh; kết quả quan trọng của Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027; Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

4. Tiếp tục tuyên truyền về công tác phòng chống dịch Covid-19, bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm chủng khi đến thời hạn tiêm; đảm bảo người dân từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 3 mũi, trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi.

5. Nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tập trung phát hiện, giải quyết những vụ việc phức tạp nảy sinh ngay từ cơ sở.

6.  Tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm: 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022); 152 năm Ngày sinh V.I. Lênin (22/4/1870 - 22/4/2022).

anh tin bai

I- THÔNG TIN THỜI SỰ

1. THẾ GIỚI

1.1. Một số dự báo về thị trường dầu mỏ thế giới năm 2022

Cuối năm 2021, nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đưa ra các kịch bản, đánh giá đối với thị trường dầu mỏ. Nhìn chung, đa phần đều dự đoán triển vọng tích cực đối với giá dầu trong năm 2022. Mặc dù đã được dự đoán sẽ tiếp tục đi lên trong năm 2022, nhưng giá dầu vẫn làm cộng đồng thế giới bất ngờ khi liên tiếp xác lập những đỉnh giá mới trong thời gian gần đây.

Sau hơn hai năm đối phó với đại dịch Covid-19, năm 2021, nền kinh tế thế giới bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi khi nhiều quốc gia đã dỡ bỏ các lệnh phong tỏa và mở cửa trở lại. Tuy nhiên, nguồn cung toàn cầu vẫn bị thắt chặt trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu ở Hoa Kỳ và một số quốc gia không ngừng tăng sau khi nền kinh tế hoạt động trở lại là nguyên nhân đẩy giá dầu tăng cao kỷ lục trong năm 2021. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/12/2021, giá dầu thô đạt mức 76,56 USD/thùng. 

Bước sang năm 2022, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể Omicron được cho là sẽ tác động mạnh mẽ đến nhu cầu dầu mỏ thế giới. Nhiều tổ chức tư vấn dự báo, nhu cầu dầu mỏ trong quý I sẽ tạm thời suy giảm và phục hồi trở lại vào quý II. Theo quan điểm của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), ảnh hưởng của biến thể Omicron chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, do dịch Covid-19 xuất hiện diễn biến mới nên sự phục hồi về nhu cầu sẽ tạm thời chậm lại.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine được coi là diễn biến khởi đầu, nghiêm trọng và tác động mạnh tới thị trường năng lượng toàn cầu. Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới và chủ yếu bán dầu thô cho các công ty lọc dầu châu Âu. Nga cũng là nhà cung cấp khí tự nhiên lớn nhất cho khu vực này, chiếm khoảng 35% nguồn cung khí đốt. Tình hình căng thẳng Nga - Ukraine được cho là nguyên nhân mạnh mẽ nhất khiến giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong quý I năm 2022. Cùng với việc Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và năng lượng khác của Nga như một biện pháp trừng phạt, ngày 08/3/2022, giá dầu đã tăng hơn 30% kể từ ngày 24/2/2022.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, ngân hàng Goldman Sachs (Hoa Kỳ) nhận định, giá dầu có thể đạt mức 175 USD/thùng trong năm 2022 nếu 2/3 lượng dầu xuất khẩu từ đường biển của Nga bị cắt giảm. Các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu đối mặt với một trong những “cú sốc” năng lượng lớn nhất từ trước đến nay. Bản đồ năng lượng toàn cầu có thể sẽ được định hình lại. Do đó, tình hình căng thẳng ở Ukraine và những hệ lụy đi kèm sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu một cách mạnh mẽ trong ngắn hạn. Điều này đồng nghĩa với việc tiến trình phục hồi “hậu Covid-19” có thể sẽ bị chậm lại.

Mặc dù vậy, vẫn có những nhận định lạc quan cho rằng giá dầu sẽ dần hạ nhiệt. OPEC+, gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất dầu, đã nâng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày. Mặt khác, giá dầu tăng cũng khuyến khích hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt trên toàn cầu. Điều này sẽ góp phần giải tỏa sự khan hiếm nguồn cung năng lượng. Bên cạnh đó, chuyển đổi năng lượng toàn cầu đã trở thành xu hướng lớn. Năng lượng tái tạo có hy vọng được củng cố và tạo điều kiện cho tăng trưởng xanh. Nếu giá các loại hàng hóa chiến lược thế giới luôn duy trì ở mức cao, đặc biệt là giá dầu mỏ và khí đốt tự nhiên thì sẽ có tác động lớn đến việc phát triển, sử dụng và phổ biến các loại năng lượng sạch như điện gió và điện mặt trời… Điều này đã từng diễn ra vào những năm 2008, khi giá dầu tiến tới ngưỡng 150 USD/thùng, người tiêu dùng bắt đầu sử dụng xe điện và các nguồn năng lượng sạch.

Trước tình hình giá xăng, dầu thế giới đã xác lập mức đỉnh lịch sử, các chuyên gia dự báo, giá xăng dầu trong nước trước đợt điều chỉnh giá sắp tới cũng sẽ tăng cao. Giá xăng, dầu tăng cao không chỉ khiến người dân, các doanh nghiệp ảnh hưởng mà bản thân các nhà phân phối xăng dầu cũng chịu tác động lớn. Để hạ nhiệt giá xăng dầu, bình ổn thị trường, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tính lại chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cũng như các loại thuế trong giá cơ sở, nhất là thuế bảo vệ môi trường. Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 1.000 đồng/lít xăng, 500 đồng/lít với dầu, áp dụng từ ngày 01/4 đến hết năm 2022…

anh tin bai

Để góp phần ổn định tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước sự biến động của thị trường dầu mỏ thế giới và trong nước thời gian gần đây, công tác tuyên truyền cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền chính xác, kịp thời, thường xuyên tình hình dầu mỏ trên thị trường thế giới, những tác động của việc giá dầu tăng cao đến đời sống người dân cũng như doanh nghiệp, sự phát triển kinh tế của các nước.

Hai là, thông tin, tuyên truyền về giá dầu và tình hình cung ứng xăng dầu trên thị trường cả nước, trong đó nhấn mạnh, Chính phủ, các ngành chức năng đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp liên quan đến giá cả, cung - cầu thị trường, cân đối cung - cầu và các phương án điều hành bình ổn giá của Chính phủ.

Ba là, các cơ quan báo chí cần tăng cường phát hiện, phản ánh kịp thời các hành vi kinh doanh không lành mạnh của doanh nghiệp xăng dầu, nhất là việc găm hàng đợi tăng giá, tạo sự khan hiếm giả hàng hóa trên thị trường.

1.2. Một số tình hình thế giới đáng chú ý thời gian gần đây

1.2.1. Tình hình Bán đảo Triều Tiên

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 06/3/2022 đưa tin, nước này đã tiến hành "cuộc thử nghiệm quan trọng” để phát triển vệ tinh do thám, một ngày sau khi có tin Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo thứ hai chỉ trong một tuần. Đây là vụ thử nghiệm vũ khí thứ 9 kể từ đầu năm đến nay của Triều Tiên. Tên lửa được phóng từ khu vực Sunan, bay khoảng 270 km ở độ cao 560 km. Ngay sau đó, ngày 07/3/2022, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã triệu tập cuộc họp kín về động thái mới nhất của Triều Tiên. Đây là cuộc họp thứ hai của Hội đồng Bảo an trong khoảng một tuần về vụ phóng này. Tại cuộc họp, Tuyên bố chung của 11 quốc gia, bao gồm cả những nước không thuộc Hội đồng Bảo an cho rằng, Triều Tiên đã “phóng tên lửa đạn đạo” và đây là hành động vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Ngày 08/3/2022, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các thỏa thuận phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đã đạt được với cộng đồng quốc tế và Hàn Quốc.

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), nhóm giám sát của cơ quan này đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy, có các hoạt động tại lò phản ứng 5 megawatt ở khu phức hợp phía Bắc Triều Tiên. Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp quốc cho rằng, Triều Tiên dường như đang xây dựng một khu phụ trợ cho một cơ sở làm giàu urani bằng máy ly tâm tại Yongbyon, mặc dù mục đích của hoạt động này vẫn chưa được xác định.

Vụ thử tên lửa đã nối lại chiến dịch thử nghiệm vũ khí dồn dập của Triều Tiên sau một tháng diễn ra Thế vận hội mùa Đông tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, trong bối cảnh cả thế giới đang tập trung sự chú ý vào Ukraine. Điều này đã làm dấy lên các lo ngại về vấn đề an ninh tại khu vực Đông Á. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, mục đích vụ thử tên lửa của Triều Tiên là để kiểm tra, cải tiến công nghệ vũ khí và giành được đòn bẩy ngoại giao với Mỹ sau 03 năm không có tiến triển nào trong đàm phán.

1.2.2. Xung quanh chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở cửa của Hoa Kỳ

Ngày 11/02/2022, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa với 5 trụ cột: Tự do và rộng mở - Kết nối - Thịnh vượng - An ninh - Có sức chống chịu tốt.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được cho là một bước tiến nhằm khôi phục vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trọng tâm của chiến lược là hợp tác bền vững và sáng tạo cùng với các nước đồng minh, đối tác, nhằm đối phó với những thách thức cấp bách, từ việc cạnh tranh với Trung Quốc đến biến đổi khí hậu và ứng phó với đại dịch. Đồng thời, chiến lược cũng thừa nhận một thực tế không thể phủ nhận là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực năng động nhất trên thế giới và tương lai của nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người.

Trong chiến lược, chính quyền của Tổng thống J.Biden cam kết tăng cường vai trò của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong hàng loạt lĩnh vực từ an ninh tới kinh tế. Hoa Kỳ sẽ củng cố khả năng “răn đe” trước những động thái “gây hấn” quân sự nhằm vào Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này trong khu vực. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực Đông Nam Á và các khu vực khác. Theo đó, Mỹ theo đuổi 5 mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương:

Thứ nhất là tự do và rộng mở. Các biện pháp cụ thể gồm: (1) Đầu tư vào các thể chế dân chủ, báo chí tự do và một xã hội dân sự năng động; (2) Cải thiện minh bạch tài khóa ở khu vực và thúc đẩy cải cách; (3) Đảm bảo các vùng biển và bầu trời của khu vực được quản lý và sử dụng dựa theo luật pháp quốc tế; (4)Thúc đẩy các phương pháp tiếp cận chung đối với các công nghệ then chốt và mới nổi, internet và không gian mạng.

Thứ hai là kết nối. Theo đó, Mỹ xác định các nhiệm vụ cụ thể bao gồm: (1) Tăng cường liên minh hiệp ước trong khu vực với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan; (2) Tăng cường quan hệ với các đối tác hàng đầu trong khu vực, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam và các quốc đảo ở Thái Bình Dương; (3) Đóng góp cho một ASEAN ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và thống nhất. Ngoài ra, Mỹ hướng đến tăng cường nhóm Bộ Tứ và thực hiện các cam kết của Nhóm; ủng hộ sự tiếp tục trỗi dậy cũng như vai trò lãnh đạo của Ấn Độ trong khu vực; phối hợp để tăng cường khả năng chống chịu cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương; tạo dựng kết nối giữa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với khu vực châu Âu - Đại Tây Dương; mở rộng sự hiện diện ngoại giao của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Đông Nam Á và các quốc đảo ở Thái Bình Dương.

Thứ ba là thịnh vượng. Mỹ sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng thông qua: (1) Đề xuất một khuôn khổ kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; (2) Thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do, công bằng và cởi mở thông qua Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); (3) Thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng trong khu vực thông qua sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn cùng với các đối tác trong nhóm G7.

Thứ tư là an ninh. Các mục tiêu cụ thể: (1) Tăng cường khả năng răn đe tổng hợp; (2) Thắt chặt hợp tác và tăng cường khả năng phối hợp cùng với các đồng minh và đối tác; duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan (Trung Quốc); (3) Đổi mới để tác nghiệp hiệu quả trong môi trường mới với mối đe dọa thay đổi nhanh chóng, bao gồm không gian, không gian mạng, các lĩnh vực công nghệ then chốt và mới nổi.

Bên cạnh đó, Mỹ hướng đến tăng cường khả năng răn đe và phối hợp mở rộng với các nước đồng minh, gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên; tiếp tục thực hiện các mục tiêu của AUKUS; mở rộng sự hiện diện của Tuần duyên Mỹ cũng như hợp tác chống lại các mối đe dọa xuyên quốc gia khác; vận động Nghị viện để tài trợ cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương và Sáng kiến an ninh biển.

Thứ năm là có sức chống chịu. Mỹ nỗ lực hợp tác với các đồng minh và đối tác nhằm xây dựng các mục tiêu, chiến lược, kế hoạch và chính sách tới năm 2030 và 2050, nhất quán với mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C; giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương của khu vực trước những tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường; chấm dứt đại dịch Covid-19, đồng thời củng cố an ninh y tế toàn cầu.

Việt Nam mong muốn các sáng kiến hợp tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế; tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng của tất cả các nước, bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Đồng thời, Việt Nam quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Mỹ, cũng như tất cả đối tác để thúc đẩy nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu và các lĩnh vực khác nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực.

2. TRONG NƯỚC

2.1. Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022)

Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chấm dứt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn. Để đi đến thắng lợi cuối cùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã phải đối phó lần lượt với các kế hoạch, chiến lược của đế quốc Mỹ, chính quyền ngụy Sài Gòn và trải qua 5 giai đoạn: Giai đoạn 1: Từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960, ta tập trung đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Giai đoạn 2: Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965, ta giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Giai đoạn 3: Từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968, Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc. Giai đoạn 4: Từ năm 1969 đến năm 1973, quân và dân ta phát huy sức mạnh đoàn kết, chiến đấu của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán. Giai đoạn 5: Từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975 là giai đoạn tạo thế và lực mới, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có ý nghĩa rất quan trọng, là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc; đánh dấu bước ngoặt quyết định, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới.

Nguyên nhân của thắng lợi vĩ đại này, trước hết là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Hai là, Nhân dân và các lực lượng vũ trang đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ; lao động quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân. Ba là, cả nước đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trên dưới một lòng, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp, đánh Mỹ và thắng Mỹ. Năm là, phát huy tinh thần đoàn kết; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước phe xã hội chủ nghĩa, của nhân dân tiến bộ trên thế giới. 

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giúp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta rút ra những kinh nghiệm quý báu: (1) Xác định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam. (2) Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. (3) Vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt phương pháp đấu tranh cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh toàn dân và nghệ thuật quân sự chiến tranh toàn dân, xây dựng và phát triển lý luận chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân Việt Nam. (4) Chủ động, nhạy bén, linh hoạt trong chỉ đạo chiến lược chiến tranh cách mạng và nghệ thuật tạo, nắm thời cơ giành những thắng lợi quyết định. (5) Phải luôn luôn chú trọng xây dựng Đảng trong mọi hoàn cảnh, nâng cao sức chiến đấu và phát huy hiệu lực lãnh đạo của Đảng.

Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch Covid-19, chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường chiến đấu, xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm. Cho đến nay, mặc dù số ca mắc Covid-19 tăng cao, nhưng nhờ độ bao phủ vaccine tốt nên tỷ lệ tử vong thấp, dịch cơ bản đã được kiểm soát; kinh tế, xã hội từng bước được phục hồi, phát triển, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để góp phần phát huy giá trị truyền thống, ý nghĩa lịch sử Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ,  nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc về Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; trong đó cần nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi, bài học kinh nghiệm... Từ đó, tiếp tục bồi đắp lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho đông đảo quần chúng nhân dân.

Hai là, tuyên truyền khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đối với sự nghiệp cách mạng nước ta trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt là đấu tranh đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.

Ba là, tuyên truyền về các hoạt động Kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước phải bảo đảm đúng định hướng, hiệu quả, an toàn bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú gắn với các hoạt động thiết thực, cụ thể, các nội dung tuyên truyền cần cổ vũ, động viên, nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với đất nước.

2.2. Đẩy mạnh công tác tiêm phòng vaccine và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron, trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ. Theo Bộ Y tế, đến nay, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá dịch Covid-19 vẫn còn trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến chủng không lường trước của virus SARS-CoV-2. Tuy vậy, dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Số ca mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua, số người mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi; số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày.

Biến chủng Omicron có xu hướng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây, phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thay thế dần biến thể Delta. Theo báo cáo của thành phố Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận xuất hiện ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2[1] chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron; tại Thành phố Hồ Chí Minh, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene. Tuy nhiên, do tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt đã có sự quan tâm chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ tử vong/số ca mắc trên toàn quốc giảm sâu. Tỷ lệ tử vong/số ca mắc, số ca đang điều trị tại bệnh viện, số ca nặng, nguy kịch đã giảm rất nhiều so với thời gian trước đây.

Để hạn chế cũng như giảm các nguy cơ lây lan của dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, thực hiện 5K; nâng cao ý thức cá nhân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế trong quản lý, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà, không áp dụng theo các hướng dẫn từ các nguồn thông tin không tin cậy, chưa được kiểm chứng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, phân luồng, phân tuyến điều trị. Hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế theo Hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 218/QĐ-BYT để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ; căn cứ kết quả đánh giá, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt các biện pháp nhằm đáp ứng phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Các địa phương hoàn thành tiêm mũi 3, mũi nhắc lại vaccine Covid-19 trong tháng 3/2022.

Bộ Y tế khẳng định: Vaccine hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt đã có sự quan tâm chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ tử vong/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu. Vì vậy, việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường và hoàn thành sớm tiêm mũi 3, mũi nhắc lại vaccine phòng Covid-19 cho người dân.

Nhằm tiếp tục lan tỏa quyết tâm phòng, chống dịch Covid-19 của cả hệ thống chính trị, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần tập trung một số nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ về diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, khu vực và trong nước; đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan chức năng và các địa phương. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của người dân.

Hai là, tiếp tục tuyên truyền vận động Nhân dân đồng lòng thực hiện tốt phương châm phòng, chống dịch “5K + vaccine + công nghệ”, để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và toàn xã hội.

Ba là, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng của người dân, kịp thời định hướng dư luận; đồng thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, ngăn chặn các thông tin xấu độc, tin giả, tin không được kiểm chứng về tình hình dịch Covid-19.

2.3. LỰC LƯỢNG VŨ TRANG TỈNH NAM ĐỊNH 75 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH

Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; dưới sự tổ chức, lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Tỉnh ủy Nam Định và sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Nam Định đã có nhiều đóng góp, cống hiến sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội, viết lên truyền thống vẻ vang “Đoàn kết - Chủ động - Sáng tạo - Quyết thắng”.

Lịch sử, truyền thống của LLVT tỉnh gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nam Định. Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, mở đầu là cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Sợi Nam Định (25/3/1930), nông dân huyện Giao Thuỷ (7/1931); để bảo vệ và hỗ trợ đấu tranh chính trị, lực lượng chính trị, các ban Tự vệ, đội Xích vệ (Tự vệ Đỏ) đã được thành lập, bao gồm những thanh niên khoẻ mạnh, hăng hái, giác ngộ do các đoàn thể lựa chọn. Đây là tiền đề, nền móng cho sự ra đời của LLVT tỉnh.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng các cấp được thành lập, ngay sau đó đã phải đương đầu với thù trong giặc ngoài. Với dã tâm đen tối, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Chi đội 19 được biên chế vào Trung đoàn 34 Vệ quốc quân do Khu II chỉ huy, chiến đấu tại Mặt trận Nam Định. Thực hiện đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”, tháng 4/1947, Chính phủ kháng chiến đã quyết định thành lập các Ban chỉ huy Dân quân ở các tỉnh, huyện và xã. Ngày 20/4/1947, Tỉnh đội dân quân Nam Định được thành lập (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nam Định) trực thuộc Uỷ ban kháng chiến tỉnh Nam Định; có các ban tham mưu, chính trị, cung cấp (hậu cần), 03 đại đội và đội tuyên truyền.

Qua những năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh, gian khổ nhưng hết sức vẻ vang, quân và dân trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, kiên cường chiến đấu, đánh 16.049 trận lớn, nhỏ. Tiêu diệt và bắt sống 29.872 tên địch, phá huỷ 284 xe quân sự, bắn rơi 02 máy bay, bắn cháy, bắn chìm 05 tàu xuồng, ca-nô địch, thu 6.204 khẩu súng các loại của địch. Cùng với những thành tích trong chiến đấu, tỉnh Nam Định đã tiễn 18.757 thanh niên lên đường đánh giặc, đóng góp 70 nghìn tấn lương thực cho kháng chiến, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đi đến thắng lợi vẻ vang.

Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng với cả nước, LLVT tỉnh đã ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa; vừa xây dựng, kiện toàn cơ quan quân sự các cấp, phát triển lực lượng dân quân du kích, vừa tham gia cải cách ruộng đất, chống cưỡng ép di cư, vận động hợp tác hoá nông nghiệp, đóng góp sức người, sức của cho miền Nam đấu tranh giải phóng dân tộc.

Năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc. Với tinh thần “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, LLVT tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đánh trên 02 nghìn trận, bắn rơi 110 máy bay trong đó LLVT tỉnh trực tiếp bắn rơi 28 máy bay Mỹ, bắn cháy 03 tàu chiến, tự rà phá 80% bom nổ chậm và thủy lôi của địch, tham gia vận chuyển trên 01 triệu tấn hàng hoá, vũ khí ra tiền tuyến góp phần cùng quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.     

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, LLVT tỉnh vừa củng cố xây dựng lực lượng, vừa tham gia lao động sản xuất khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp hàng vạn ngày công quai đê, lấn biển, xây dựng các công trình văn hoá; tiếp tục chi viện sức người, sức của cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế; tổ chức các đơn vị tăng cường lên biên giới phía Bắc tham gia chiến đấu và xây dựng tuyến phòng thủ quốc gia, toàn tỉnh có 10.000 người tham gia tại Hoàng Liên Sơn và 2.000 người tại Quảng Ninh.

Từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng cho đến nay, LLVT tỉnh luôn đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc như: Công tác giáo dục bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh; công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh; diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thành phố, diễn tập bảo đảm của các sở, ngành; diễn tập phòng thủ dân sự và tìm kiếm cứu nạn, diễn tập phòng, chống dịch Covid-19. Tham gia các cuộc Hội thao, Hội thi do Bộ Quốc phòng và Quân khu tổ chức đạt thành tích cao. Phối hợp tham mưu và chủ động triển khai quyết liệt, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Công tác chính sách hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được thực hiện nghiêm túc, sâu rộng, hiệu quả, góp phần tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ Quốc phòng, quân sự địa phương, củng cố thế trận trong khu vực phòng thủ. Doanh trại, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, sinh hoạt và đời sống của cán bộ, chiến sĩ luôn được chăm lo, cải thiện, nâng cao. Đảng bộ Quân sự tỉnh trong sạch, vững mạnh; chất lượng tổng hợp và trình độ sẵn sàng chiến đấu của LLVT tỉnh được nâng cao, luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Trong suốt chiều dài lịch sử 75 năm, ở giai đoạn cách mạng nào LLVT tỉnh cũng luôn thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, vừa làm tốt chức năng tham mưu, vừa chủ động, sáng tạo tổ chức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tạo nên sức mạnh tổng hợp để tiến hành chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc.

Với những thành tích chiến công oanh liệt của LLVT tỉnh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và những cống hiến to lớn trong thời kỳ đổi mới, LLVT tỉnh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội khen thưởng nhiều danh hiệu, huân, huy chương, bằng khen và nhiều tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng, tiêu biểu như: Danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân” năm 1978; 10 Huân chương Quân công; Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (lần thứ 2) năm 2016; cờ thi đua xuất sắc của Bộ Quốc phòng, của UBND tỉnh và nhiều hình thức khen thưởng cao quý khác.

Kế thừa và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, những thành tích, chiến công của quân và dân tỉnh Nam Định đã giành được trong suốt 75 năm qua, cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh luôn tự hào phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, hơn lúc nào hết ý thức sâu sắc trọng trách của mình, nguyện nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, khắc phục khó khăn, không ngừng sáng tạo, tiếp tục tô thắm truyền thống “Đoàn kết - Chủ động - Sáng tạo - Quyết thắng” của LLVT tỉnh, truyền thống cách mạng của quê hương Nam Định văn hiến và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

II. Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2022

Tiền lương làm căn cứ bồi thường tai nạn lao động

Từ ngày 01/3/2022, Thông tư số 28/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2021 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chính thức có hiệu lực thi hành.

Theo đó, tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tai nạn lao động và tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng. Mức tiền lương tháng nêu trên được xác định theo từng đối tượng như sau: Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân: mức tiền lương tháng gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp (nếu có). Người lao động làm việc theo hợp đồng: mức tiền lương tháng gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định trong hợp đồng. Người học nghề, tập nghề: mức lương tháng là tiền lương do hai bên thỏa thuận; trường hợp không có lương học nghề, tập nghề tiền lương làm căn cứ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động là mức lương tối thiểu do Chính phủ công bố tại địa điểm người học nghề, tập nghề làm việc. Công chức, viên chức thời gian tập sự: mức lương tháng là tiền lương tập sự theo quy định. Người lao động trong thời gian thử việc: mức lương tháng là tiền lương thử việc do hai bên thỏa thuận theo quy định.

Điều kiện mới về kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 01/3/2022

Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/3/2022. Nghị định quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Kinh doanh bất động sản, bao gồm các nội dung về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh bất động sản (doanh nghiệp). Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, tại trụ sở Ban Quản lý dự án (đối với các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản), tại sàn giao dịch bất động sản (đối với trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch bất động sản) các thông tin về: doanh nghiệp (bao gồm tên, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại liên lạc, tên người đại diện theo pháp luật); bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định tại khoản 2, Điều 6 của Luật Kinh doanh bất động sản; việc thế chấp nhà, công trình xây dựng, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh (nếu có); số lượng, loại sản phẩm bất động sản được kinh doanh, số lượng, loại sản phẩm bất động sản đã bán, chuyển nhượng, cho thuê mua và số lượng, loại sản phẩm còn lại đang tiếp tục kinh doanh.

Mức thu lệ phí trước bạ ô tô điện chạy pin là 0% trong vòng 3 năm kể từ 01/3/2022

Theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ban hành ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ, với ô tô điện chạy pin, trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%; trong vòng 2 năm tiếp theo, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.

Tăng mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc

Thông tư 02/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện điều chỉnh tăng mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc có hiệu lực từ ngày 15/3/2022. Thông tư áp dụng với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng (gọi là cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc).

Mức trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh như sau: Đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã: 2.473.000 đồng/tháng (trước đây là 2.116.000 đồng/tháng); đối với cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân, Thư ký hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 2.400.000 đồng/tháng (trước đây là 2.048.000 đồng/tháng); đối với các chức danh còn lại: 2.237.000 đồng/tháng (trước đây là 1.896.000 đồng/tháng).

Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang, găng tay y tế

Đối với những lô hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế, bộ trang phục phòng chống dịch đã làm thủ tục hải quan tạm nhập từ ngày 01/01/2022 đến trước ngày 15/3/2022 được tiếp tục thực hiện tái xuất theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với những lô hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế, bộ trang phục phòng chống dịch từ ngày 15/3 tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2022 đến ngày 31/12/2022.

Quy định mới về hoạt động trạm thu phí đường bộ

Theo Thông tư 45/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ có hiệu lực từ ngày 31/03/2022, tiêu chí thành lập trạm thu phí đường bộ là phải đặt trong phạm vi của dự án; phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư hoặc trong Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thực hiện hình thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng và sử dụng công nghệ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tiên tiến, hiện đại; trường hợp áp dụng hình thức khác phải được cấp có thẩm quyền cho phép; trường hợp trạm thu phí hoàn vốn cho dự án đối tác công tư phải đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án.

Công khai vị trí trạm thu phí trên phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương; tại UBND cấp huyện, xã nơi đặt trạm thu phí kể từ khi cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Hoạt động trạm thu phí đường bộ phải được công khai, minh bạch; bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng, chỉ cung cấp thông tin khi có sự đồng ý của người sử dụng hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước thẩm quyền theo quy định của pháp luật./.

Ban tuyên giáo Đảng ủy xã Xuân Thượng./.



 

Cơ quan chủ quản: Xã Xuân Thượng- Huyện Xuân Trường
Địa chỉ: Xã Xuân Thượng - Huyện Xuân Trường - Tỉnh Nam Định
Email: xaxuanthuong.xtg@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang